Việc nhiều cựu lãnh đạo TP.HCM liên tục vướng vòng lao lý do có liên quan đến các khu "đất vàng" đã cho thấy rõ về một giai đoạn chuyển nhượng tự do nằm ngoài quy định.
Trong một thời gian dài, đất công được giao cho doanh nghiệp Nhà nước quản lý chạy lòng vòng trong tay pháp nhân mới rồi rơi vào tư nhân, kéo theo một khoản thất thoát khổng lồ cho ngân sách.
Dự án 8-12 Lê Duẩn là khiến nhiều lãnh đạo, cán bộ TPHCM vướng lao lý vì chuyển nhượng gây thất thoát ngân sách. Ảnh minh họa: TTXVN |
Cuối tuần qua, thông tin khởi tố ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM cùng với Phó chánh văn phòng Thành ủy Trần Trọng Tuấn liên quan đến sai phạm đất đai tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đã gây xôn xao dư luận. Cùng thời điểm này, cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Huy Hoàng và người thuộc cấp là cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng bị khởi tố liên quan đến sai phạm tại một khu đất vàng ở TPHCM.
Hệ thống lại có thể thấy, đất công ở TPHCM gần như đã hình thành một thị trường chuyển nhượng bên trong các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và nhiều cựu lãnh đạo đã vướng lao lý khi tham gia “điều tiết” thị trường này.
Đất công thoát khỏi DNNN bằng các pháp nhân mới
Không thể thống kê đầy đủ về các thương vụ chuyển nhượng đất công tại TPHCM nhưng những dự án sai phạm điển hình liên quan đã cho thấy rõ, cơ quan quản lý chuyển đổi mục đích sử dụng hay chuyển nhượng thường đi tắt và bỏ qua nhiều quy trình thủ tục. Đồng thời tận dụng chủ trương cổ phần hóa, đất công luôn ra khỏi DNNN bằng một pháp nhân mới.
Điển hình như khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) được sắp xếp giao cho Tổng công ty Sabeco (là DNNN thuộc Bộ Công Thương, vốn nhà nước chiếm 89,59%) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao… và không được thành lập pháp nhân mới. Tuy nhiên ông Vũ Huy Hoàng vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quy định.
Căn cứ ý kiến phê duyệt, chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch hội đồng quản trị) ký công văn số 374 kèm theo các văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương đề nghị UBND TPHCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl.
Từ đó các sở, ngành thuộc UBND TPHCM tham mưu cho bị can Nguyễn Hữu Tín ký ban hành quyết định cho Sabeco Pearl thuê đất trái các quy định pháp luật.
Tiếp đó, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ, sau khi nhận được hai văn bản, nhóm các cổ đông sáng lập của Sabeco Pearl đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái 26% vốn góp và đề nghị được mua lại phần vốn góp này. Không lâu sau đó số cổ phần này được phê duyệt đấu giá với mức khởi điểm là 13.247 đồng/cổ phần.
Đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất này. Đồng thời cựu Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cùng các thuộc cấp ở các sở ngành của TP vướng vào lao lý.
Hay như khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TPHCM) cũng khiến một phó chủ tịch UBND TPHCM khác là ông Nguyễn Thành Tài bị khởi tố. Khu đất này được xác lập sở hữu Nhà nước vào năm 1994 và giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà ký hợp đồng cho bốn công ty của Bộ Công Thương thuê đất, trả tiền hằng năm.
Năm 2008, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi nhà đất số 8-12 Lê Duẩn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn cao cấp. Tuy nhiên, bốn doanh nghiệp này nợ tiền thuê, không chịu dời đi và có nhiều văn bản kiến nghị UBND, Thành ủy TPHCM và Bộ Công Thương đề nghị được tạo điều kiện mua chỉ định hoặc tham gia thực hiện dự án.
Dù kiến nghị nói trên không được UBND TPHCM đồng ý nhưng ông Nguyễn Thành Tài vẫn ký công văn chấp thuận chủ trương cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà làm chủ đầu tư dự án và liên doanh (góp 50% vốn điều lệ), liên kết với bốn công ty đang thuê (góp 50%).
Ngay sau đó, Công ty Quản lý kinh doanh nhà có công văn gửi UBND TP đề xuất cho sự hình thành tư cách pháp nhân mới (sau này là Công ty Lavenue) theo hình thức công ty cổ phần. Trong pháp nhân mới này bắt đầu xuất hiện thêm các nhà đầu tư mới với sự chấp thuận của ông Nguyễn Thành Tài. Trong đó, công ty Hoa Tháng Năm tham gia góp cùng Công ty Quản lý Kinh doanh nhà 30% vốn điều lệ; bốn công ty thuộc Bộ Công Thương bán lại 50% còn lại cho công ty Kinh Đô để cấn nợ.
Như vậy, Công ty Lavenue có tỷ lệ sở hữu cổ phần của Công ty Quản lý kinh doanh nhà 20%, Công ty Kinh Đô 50%, Công ty Hoa Tháng Năm 30%. Phần vốn góp của tư nhân đã chiếm đa số (80%) trong cơ cấu sở hữu này.
Việc thành lập pháp nhân mới và chuyển nhượng cổ phần lòng vòng trong lòng DNNN như là một dòng chảy ngầm để đất công TPHCM về tay tư nhân. Trong nội dung bài viết không thể thống kê hết các dự án được chuyển nhượng, nhưng các đại án liên quan đến đất đai như Đông Á, Phan Văn Anh Vũ… thời gian qua cho thấy, thị trường này đã trải qua một giai đoạn “giao dịch tự do” bên ngoài các quy định pháp luật.
Những bước “đi tắt” gây thất thoát ngân sách
Ba khu đất liên quan đến sai phạm gần đây của ba phó chủ tịch UBND TPHCM trong nhiệm kỳ của mình đều được thực hiện “tắt”, bỏ qua các quy trình pháp luật. Trong tình thế chủ động hay bị động thì việc “đi tắt” gây thất thoát cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng. Thêm vào đó giá trị của các khu đất vẫn chưa được khai thác hết giá trị, bị bỏ hoang vì các yếu tố pháp lý gây lãng phí lớn.
Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng thuộc sự quản lý của Sabeco trước đây chuyển nhượng sai quy định khiến hai cựu lãnh đạo Bộ Công Thương bị khởi tố. Ảnh: TTXVN |
Đơn cử, khu đất 8-12 Lê Duẩn gây thất thoát của nhà nước hơn 2.000 tỉ đồng và dự án hơn chục năm qua vẫn chưa được triển khai, chỉ trưng dụng làm bãi giữ xe. Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng dù chưa xác định giá trị thất thoát cụ thể nhưng với vị trí đắc địa thì theo kết luận thanh tra thiệt hại đặc biệt lớn.
Việc chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 của Sagri liên quan đến sai phạm của ông Trần Vĩnh Tuyến cũng được Thanh tra TPHCM kết luận thiệt hại hàng trăm tỉ đồng ngân sách.
Có thể những dự án trên chỉ là những sự vụ điển hình nổi lên trên hàng chục thương vụ chuyển và cho thuê tràn lan gây thất thoát ngân sách trong một thời gian dài.
Trao đổi với người viết trước thời điểm bị bắt giam liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, ông Nguyễn Thành Tài cho rằng ông không cố ý làm trái, mà chỉ nóng ruột để triển khai dự án, thậm chí là không đợi được các cơ quan chức năng của thành phố báo cáo thẩm định các đơn vị tham gia đầu tư, nên sơ suất đã trở thành sai sót.
"Tôi thì quá muốn thúc đẩy nhanh dự án, nên suy nghĩ chủ quan là bốn công ty của Bộ Công Thương nắm 50% số cổ phần vốn, cộng với 20% của Công ty Quản lý kinh doanh nhà, là 70% sở hữu Nhà nước rồi. Tuy nhiên, mọi tính toán của tôi không lường được tình huống, là bốn doanh nghiệp quốc doanh kia “lật kèo”, đi bán toàn bộ cho Công ty Kinh Đô. Đây chính là thiếu sót của tôi, vì không lường trước được hệ quả, thật sự không tơ hào, tư túi gì ở dự án này”, ông Tài cho biết.
Từ câu chuyện này có thể thấy, diễn biến thực tế là một số khâu quan trọng trong việc quản lý đang bị buông lỏng, để cho các bên tự liên doanh liên kết, tự ý chuyển đổi công năng khu đất thực hiện dự án bất động sản. Việc này hoàn toàn trái với quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, mang lại lợi ích lớn cho các nhóm liên kết với nhau, nhất là trong bối cảnh cổ phần hóa các DNNN.
Theo một chuyên gia về chính sách công, việc điều chỉnh quy hoạch lại các dự án đất công thường không có căn cứ và bỏ qua quy trình thủ tục. Chẳng hạn, theo quy định, khi điều chỉnh quy hoạch phải xin ý kiến nhân dân, nhưng thường khâu này bị bỏ qua. Điều này đã vi phạm về pháp lệnh dân chủ cơ sở xã, phường (dân không biết, không được bàn).
Sau khi chuyển đổi công năng sử dụng đất, theo quy định với đất công thì phải đấu giá, đấu thầu, bất kể là đã đền bù giải phóng mặt bằng hay chưa.
Với các DNNN nếu không còn sử dụng đất được giao theo mục đích ban đầu thì phải trả lại cho Nhà nước. Việc chuyển đổi công năng, hay giao lại cho đơn vị khác sử dụng, hay đấu thầu, đấu giá là quyền của Nhà nước. Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý, có sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích, thiếu công khai minh bạch nên đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý đất công.
(Theo TBKTSG Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét