Các hãng hàng không thua lỗ nặng trong vài năm gần đây nhưng có tín hiệu sẽ hồi phục trong năm 2022.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với khoản lỗ gần 1,12 nghìn tỷ đồng, qua đó nâng số lỗ trong năm 2021 lên hơn 13,3 nghìn tỷ đồng.
Đây là quý lỗ thứ 8 liên tiếp của Vietnam Airlines. Lũy kế, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam lỗ gần 22 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD), ăn mòn gần hết số vốn chủ sở hữu hơn 22,1 nghìn tỷ đồng.
CTCP hàng không Vietjet - Vietjet Air (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid. Trong quý IV/2021, Vietjet lỗ ròng gần 102 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế cả năm, VietJet vẫn lãi ròng hơn 100 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước, nhưng chủ yếu nhờ lợi nhuận từ hoạt động tài chính.
Vietravel (VTR) cũng thua lỗ nặng hàng trăm tỷ do doanh thu từ mảng du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong khi đó, Hãng hàng không Vietravel Airlines của Vietravel vẫn phải trả tiền thuê tàu bay, bảo trì bảo dưỡng trong thời gian ngừng bay do giãn cách...
Hầu hết các hãng hàng không đều ghi nhận tình trạng sức khỏe tài chính kém đi.
Vietnam Airlines ghi nhận tổng nợ phải trả lên tới gần 62,6 nghìn tỷ đồng, gần bằng tổng tài sản. HVN nợ hơn 1.070 tỷ đồng trả cho người lao động. Vietjet cũng có tổng nợ phải trả cao gấp đôi so với vốn chủ sở hữu. VTR gánh khoản nợ phải trả 2 nghìn tỷ đồng.
Nhiều hãng hàng không thua lỗ trong 2021. |
Trên thực tế, trong khó khăn, các hãng hàng không vẫn tìm ra phương án riêng cho mình.
Trong năm 2021, Vietnam Airlines tăng mạnh vốn từ 14.182 tỷ đồng lên 22.143 tỷ đồng để cải thiện sức khỏe tài chính. Vietnam Airlines đã nối lại nhiều chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam các quốc gia ngay đầu năm 2022.
Trong năm 2021, Vietjet đã thực hiện gần 42.000 chuyến bay và vận chuyển trên 5,4 triệu lượt khách trên toàn mạng bay. Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa, Vietjet đạt doanh thu cao, gần 3 nghìn tỷ đồng, tăng 200% so với cùng kỳ.
Trong năm, Vietjet tiếp tục tối ưu chi phí hoạt động theo giờ bay, giảm phí thuê tàu, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ cho ngành hàng không, giảm 50% chi phí hạ cất cánh, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay đến hết năm 2022, giảm chi phí cảng và phục vụ mặt đất, các hãng chỉ trả theo mức tối thiểu.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các hãng hàng không bắt đầu đón nhận các tín hiệu tích cực khi từ cuối năm 2021 nhờ vào chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc cùng với chiến lược thích ứng an toàn mới của nền kinh tế. Việc Việt Nam mở cửa du lịch sẽ giúp doanh thu của ngành hàng không hồi phục.
Năm 2022, cùng với việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế, đặc biệt là sự phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng trên khắp cả nước, ngành hàng không Việt Nam được đánh giá sẽ hồi phục và phát triển mạnh mẽ kể từ năm 2022 và các năm tiếp theo.
M. Hà
Ngược dòng chiếm sóng, nữ tỷ phú Phương Thảo chắc ngôi số 1
Cổ phiếu Hàng không VietJet vẫn ở vùng đỉnh, trong khi đó HDBank ngược đòng thị trường chung bứt phá ấn tượng. Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vững chắc ở vị trí nữ tỷ phú số 1 Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét