Ngành công nghiệp khai thác vàng khổng lồ của Nga đang tìm cách bán kim loại quý này sang Trung Quốc và Trung Đông nhiều hơn khi các lệnh trừng phạt làm mất đi những khách hàng truyền thống.
Kể từ sau khi cuộc chiến nổ ra ở Ukraine, nhà khai thác vàng lớn thứ 2 là Nga bắt đầu nhận thấy các thị trường châu Âu và Mỹ hầu như đã đóng cửa với vàng Nga do lệnh cấm nhập khẩu vàng sản xuất từ nước này. Một số nhà máy luyện kim cũng đang từ chối nấu chảy vàng từ Nga.
Lâu nay, các nhà khai thác mỏ của Nga vẫn thường bán kim loại quý cho một số ngân hàng địa phương, hầu hết do nhà nước điều hành, như VTB Bank PJSC và Bank Otkritie. Các ngân hàng này sau đó sẽ xuất khẩu vàng hoặc những năm gần đây là chuyển đến ngân hàng trung ương Nga.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt đã khiến cho việc bán vàng của các ngân hàng này bị đình trệ và mặc dù Ngân hàng Trung ương Nga (Bank of Russia) cho biết sẽ bắt đầu mua vàng trở lại sau 2 năm tạm dừng, song họ cũng cho biết có thể sẽ không mua nhiều như trước đây.
Điều đó đang khiến ngành công nghiệp vàng của Nga rơi vào thế khó. Liệu họ sẽ bán khoảng 340 tấn vàng khai thác mỗi năm với trị giá khoảng 20 tỷ USD như thế nào?
Bởi thực tế, những ngân hàng không bị trừng phạt không thể xử lý hết khối lượng lớn như vậy. Và mặc dù cách đây 2 năm, chính phủ Nga đã cấp phép cho lĩnh vực khai thác mỏ nói chung được xuất khẩu trực tiếp, nhưng cho đến nay rất ít công ty sử dụng quy trình này vì họ vẫn thích dựa vào các ngân hàng để bán vàng.
Tuy nhiên, điều đó có thể sớm được thay đổi khi các công ty khai thác mỏ của Nga đang xem xét xuất khẩu trực tiếp. Cả nhà sản xuất lẫn bên ngân hàng đều đang mở rộng hoạt động bán hàng sang các nước ở châu Á và Trung Đông.
Người phát ngôn của nhà sản xuất vàng Polymetal International Plc cho biết công ty này đang sử dụng hình thức xuất khẩu trực tiếp để bán vàng cho UAE và Trung Quốc.
Nguồn tin của Bloomberg cũng cho hay một số nhà khai thác vàng lớn khác của Nga bắt đầu đàm phán với các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và UAE.
Ngân hàng Trung ương Nga từng là đơn vị mua có chủ quyền lớn nhất, thu gom hầu như toàn bộ sản lượng khai thác của nước này, trước khi tạm dừng việc thu mua vào năm 2020. Tuy nhiên, cam kết bắt đầu mua lại của ngân hàng này mới đây sẽ giúp hấp thụ một số nguồn cung không thể xuất khẩu.
Mặc dù ngân hàng trung ương Nga đã tăng cường nắm giữ khối lượng vàng đáng kể từ năm 2019 song các giao dịch có thể hạn chế hơn trong tương lai.
Ngân hàng Trung ương Nga đang hạn chế mức giá mua vào ở mức 5.000 rúp/gram, tức khoảng 1.880 USD/ounce theo tỷ giá hối đoái hiện tại, thấp hơn so với giá chuẩn trên thị trường vàng thế giới.
2 quan chức giấu tên của ngân hàng trung ương Nga cho biết kế hoạch thu gom vàng trở lại này là nhằm hỗ trợ doanh số cho các nhà khai thác vàng trong nước do gặp khó trong xuất khẩu và thị trường nội địa không thể hấp thụ hết khối lượng đó.
Ngoài ra, số vàng này cũng sẽ được tiêu thụ trên thị trường bán lẻ trong nước. Chính phủ Nga cũng đã bãi bỏ thuế VAT cho các giao dịch này sau khi cuộc chiến nổ ra ở Ukraine.
"Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể về nhu cầu đối với vàng trên thị trường bán lẻ. Các ngân hàng sẵn sàng trả với giá theo chuẩn quốc tế chứ không phải ở mức 5.000 rúp/gram", người phát ngôn của Polymetal cho biết.
Mặc dù giá vàng không có xu hướng phản ứng với các yếu tố cơ bản của cung cầu như các loại hàng hóa khác, chẳng hạn như kim loại cơ bản, năng lượng, nông sản… song triển vọng xuất khẩu của Nga suy yếu cũng sẽ làm giảm nguồn cung trên toàn cầu.
"Thị trường vàng thường trong trạng thái thặng dư", Suki Cooper - nhà phân tích tại Standard Chartered - nói và cho rằng: "Nếu nhu cầu của Nga tăng lên, sản lượng khai thác của họ không được đẩy ra thị trường quốc tế thì nguồn cung dư thừa của các quỹ ETF sẽ bị thu hẹp, thị trường vàng có thể gần về mức cân bằng hơn, lần đầu tiên kể từ năm 2015".
(Theo Dân Trí)
Mỹ trừng phạt kho vàng 130 tỷ USD của Nga
Chính quyền Mỹ đã tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào kho vàng dự trữ 130 tỷ USD của Nga để ngăn Moscow đối phó với những khó khăn hiện tại từ các lệnh cấm vận của phương Tây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét