Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Tin chứng khoán ngày 2/12: Lợi thế từ Donald Trump, nữ đại gia Việt mở rộng tấn công vào Trung Quốc

Nữ hoàng miền Tây Trương Thị Lệ Khanh tiếp tục kế hoạch mở rộng quy mô và tấn công vào thị trường Trung Quốc sau khi có được những lợi thế từ chính quyền ông Donald Trump. Tuy nhiên, khó khăn đối với ngành thủy sản còn nhiều.

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) của nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh vừa công bố kế hoạch phát hành thêm gần 91 triệu cổ phiếu, tương đương mệnh giá 910 tỷ đồng, nhằm trả cổ tức cho cổ đông. Tỷ lệ phát hành là 100%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1 cổ phiếu mới.

Với động thái này, quy mô vốn điều lệ của Thủy sản Vĩnh Hoàn sẽ tăng gấp đôi lên hơn 1,8 ngàn tỷ đồng.

Động thái tăng vốn của VHC diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp thủy sản gặp nhiều khó khăn với lợi nhuận giảm khá mạnh, nhiều doanh nghiệp chứng kiến tình trạng thua lỗ. Việc đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

{keywords}
Vĩnh Hoàn phát hành thêm 91 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn.

Trong một báo cáo vừa được VHC đưa ra, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra toàn thị trường 10 tháng đầu năm đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) chiếm tỷ trọng khá lớn (31,8%), áp đảo EU (12,5%) và Mỹ (14,2%).

Cũng theo báo cáo, trong năm 2019, Vĩnh Hoàn đã tiến hành hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc, trong đó có sự kiện FHC tại Thượng Hải hôm 12-14/11; Diễn đàn GAA Marketplace Forum tại Thanh Đảo hôm 29/10 và China Fisheries & Seafood Expo cũng tại Thanh Đảo hôm 30/10-1/11.

Trong năm trước, xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang Mỹ có lợi thế cạnh tranh. VHC hưởng lợi lớn từ căng thẳng Mỹ - Trung. Tuy nhiên, ngành thủy sản nói chung, trong đó có VHC bị ảnh hưởng bởi thẻ vàng ECB cảnh báo. Thẻ vàng (với gần 100% lô hàng bị kiểm tra) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản sang EU và kéo theo sau là ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác.

{keywords}
Xuất khẩu cá tra, ba sa của ngành trong 10 tháng.

Xuất khẩu vào các thị trường chính của VHC trong vài tháng gần đây cũng gặp khó khăn như thị trường chung do Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu, tăng cường kiểm soát chất lượng. Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng tới doanh nghiệp thủy sản Việt.

Đối với thị trường Trung Quốc, bước đi của VHC cũng như một số doanh nghiệp thủy sản khác là chuyển mạnh từ xuất tiểu ngạch sang chính ngạch, cùng với việc nâng cao chất lượng, tăng uy tín,... .

Mặc dù có nhiều bước đi mạnh mẽ, cổ phiếu VHC của bà Trương Thị Lệ Khanh đang ở quanh mức đáy 1 năm. Cổ phiếu này đã giảm khoảng 18% trong vòng 1 năm qua.

Hầu hết các cổ phiếu thủy sản giảm trong vài tháng gần đây. Trừ cổ phiếu HVG của Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh hồi phục khá ấn tượng, tăng gấp gần 3 lần trong vòng 3 tháng qua cho dù doanh nghiệp này ngập trong thua lỗ, nợ nần.

Trong năm tài chính vừa qua 2018-2019 (kết thúc vào 30/9/2019), Thủy sản Hùng Vương lỗ gần 500 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đã lên tới 650 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 4/2019, HVG đã chứng kiến đợt giảm sâu sau khi Mỹ công bố đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ với kết quả gây hụt hẫng, với mức thuế cao nhất 3,87 USD/kg

{keywords}
Bà Trương Thị Lệ Khanh.

HVG tăng trở lại được cho là bị bán quá đà và khả năng hồi phục của “vua cá tra” là lớn sau nỗ lực tái cấu trúc, bán tài sản xử lý những khoản nợ khổng lồ của doanh nghiệp này. HVG đã có khoảng 2 năm trời liên tục cắt bỏ công ty con, dự án cũng như các mảng kinh doanh để thu hẹp hoạt động về lĩnh vực trọng điểm. Ở chiều ngược lại, nhiều người cũng lo ngại giao dịch bất thường của HVG gần đây là liên quan tới việc thâu tóm và chống thâu tóm.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index vẫn chịu áp lực bán ra.

Giới đầu tư tiếp tục theo dõi sát những biến động liên quan tới thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ký các đạo luật ủng hộ người phản đối tại Hong Kong.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn khá thận trọng.

Theo BSC, đà giảm chậm lại, VN-Index tiếp tục giảm khi lực bán thường xuất hiện vào cuối phiên cùng với hoạt động cơ cấu iShares và bán ròng của khối ngoại. Tâm lý bắt đáy thận trọng trong vùng biến động chỉ giúp chặn đà giảm nhưng chưa thể giúp thị trường thiết lập vùng cân bằng ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu lớn phân hóa mạnh. Hoạt động dò đáy còn tiếp tục diễn ra trong tuần mới trước khi tạo vùng giá cân bằng tạm thời.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/11, VN-Index tăng 0,36 điểm lên 970,75 điểm; HNX-Index tăng 0,16 điểm lên 102,5 điểm. Upcom-Index giảm 0,04 điểm xuống 55,66 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 200 triệu đơn vị, trị giá 3,9 ngàn tỷ đồng.

V. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét