- Những quy định về kinh doanh rượu, bia dưới 15 độ cồn qua mạng Internet đang gây nhiều tranh cãi, bởi vừa thiếu tính khả thi, sẽ gây bất cập khi đi vào thực tế.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, sau nhiều lần tiếp thu các ý kiến và sửa đổi, nhưng đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi, nhất là với quy định bán rượu, bia qua mạng Internet.
Siết bán hàng qua mạng
Dự thảo Nghị định quy định, tổ chức, cá nhân bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử, phải thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia.
Những quy định về kinh doanh rượu, bia dưới 15 độ cồn qua mạng Internet đang gây nhiều tranh cãi. |
Cụ thể trang website bán hàng phải có ứng dụng khai báo tên, tuổi, địa chỉ cư trú của người mua, trước khi người đó truy cập, tìm kiếm thông tin và khai báo tên người mua, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trước khi giao dịch. Phải có ứng dụng bảo đảm ngăn chặn quảng cáo rượu, bia trên website thương mại điện tử của mình liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng, các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng. Không được đặt các đường dẫn trên website thương mại điện tử của mình cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia khác.
Đặc biệt phải có văn bản xác nhận đăng ký website thương mại điện tử và đơn vị thiết kế, phát triển website thương mại điện tử, cung cấp phần mềm kết quả rà soát website bảo đảm các yêu cầu quy định nêu trên. Văn bản này được gửi đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử trước khi thực hiện hoạt động bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử.
Những quy định này, nhận được nhiều phản ứng cho rằng nó thiếu tính khả thi. |
Tổ chức, cá nhân bán rượu, bia có trách nhiệm kiểm tra tuổi của người nhận hàng bảo đảm phải từ 18 tuổi trở lên.
Thiếu khả thi?
Những quy định này, nhận được nhiều phản ứng cho rằng nó thiếu tính khả thi. Theo ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, yêu cầu khai báo thông tin, trước khi người dùng truy cập vào website bán rượu, bia, không có ý nghĩa. Do không có cơ sở để xác thực thông tin người tiêu dùng khai báo có không hay đúng. Thêm đó, việc yêu cầu người tiêu dùng khai báo địa chỉ cư trú, chỉ vì họ truy cập, tiếp cận và tìm kiếm thông tin mua hàng, trong khi họ chưa quyết định mua hàng là không phù hợp với quyền thông tin cá nhân, dẫn đến mâu thuẫn với các quy định về an toàn bảo mật thông tin cá nhân. Chưa kể, hiện nay, các quy định về bảo vệ “thông tin cá nhân” còn chưa chặt chẽ, có nhiều thông tin cá nhân bị đánh cắp, bị giả mạo, bị lạm dụng vì mục đích thương mại hoặc những mục đích không lành mạnh khác, ông Khải nhấn mạnh.
Với những quy định như vậy, coi như không thể kinh doanh rượu, qua mạng internet dù Luật đã cho phép. |
Còn ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho biết, việc yêu cầu các website thương mại, phải có ứng dụng, bảo đảm ngăn chặn kết nối, với các nền tảng trực tuyến khác là chưa phù hợp. Quy định này chỉ có thể thực hiện được tại trang web của các hãng rượu, bia mà thôi, còn với các trang web thương mại khác rất khó khả thi. Bởi những trang web này không chỉ bán mỗi rượu, bia mà còn bán nhiều hàng hóa khác. Do đó, một hạn chế được đặt trên một danh mục hàng hóa riêng biệt, sẽ ảnh hưởng đến nền tảng rộng hơn của trang thương mại điện tử đó và điều đó sẽ không khả thi trên thực tế, hoặc sẽ dẫn đến việc phải thiết lập một trang web dành riêng cho bán rượu, bia.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, Dự thảo đặt ra nhiều quy định mới khó đi vào đời sống. Chẳng hạn như quy định: tổ chức, cá nhân bán rượu, bia có trách nhiệm giao hàng tại đúng địa chỉ cư trú của người mua đã khai báo mua hàng và kiểm tra tuổi của người nhận hàng, bảo đảm người nhận hàng phải từ đủ 18 tuổi trở lên. Ông Long khẳng định, quy định này rất bất hợp lý. Nếu tôi mua và đề nghị giao hàng, tại địa chỉ khác không phải nơi cư trú thì sẽ không được chấp nhận? Tôi mua nhưng người nhà nhận hàng thay dưới 18 tuổi cũng sẽ không được nhận hàng? Quy định như vậy, có phải gây khó khăn cho kinh doanh không và có khả thi không? Ông Long đặt câu hỏi.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát Việt Nam, những quy định nêu trên tại Dự thảo Nghị định, được hiểu tương tự như cấm bán rượu, bia qua kênh thương mại điện tử. Điều này mâu thuẫn với chính quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và mâu thuẫn với chủ trương của Chính phủ: "Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện phát triển công nghệ 4.0 để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Trong khi đó, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương lại băn khoăn về quy định: phải có văn bản xác nhận đăng ký website thương mại điện tử và đơn vị thiết kế, phát triển website thương mại điện tử, cung cấp phần mềm kết quả rà soát website bảo đảm các yêu cầu quy định nêu trên. Văn bản này được gửi đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử trước khi thực hiện hoạt động bán rượu, bia. Theo bà Anh với quy định này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phải thẩm định hàng loạt các website có bán rượu, bia đó là công việc rất nặng nề và tốn kém thời gian.
Đại diện công ty Heineken Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, với những quy định như vậy, coi như không thể kinh doanh rượu, qua mạng internet dù Luật đã cho phép.
Trần Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét