Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
Tháng 3/2013, ông Văn Đức Huy Lam (tỉnh Đắk Nông) ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với công ty và đóng BHXH từ tháng 5/2013 đến nay. Do công ty khó khăn, thu gọn bộ máy, tinh giản nhân sự nên thông báo chấm dứt HĐLĐ với ông từ ngày 1/1/2020.
Ông Lam hỏi, trong quá trình lao động ông không bị kỷ luật, thì khi bị chấm dứt HĐLĐ ông được hưởng các chế độ như thế nào?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Bộ Luật Lao động, người sử dụng lao động (công ty) có nghĩa vụ trong trường hợp thay đổi cơ cấu như sau:
Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
Theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động. thì, thay đổi cơ cấu, công nghệ tại Khoản 1 Điều 44 của Bộ luật Lao động gồm các trường hợp sau đây: Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động; Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
Trợ cấp mất việc làm: Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
Trường hợp ông Văn Đức Huy Lam phản ánh, ông ký HĐLĐ với 1 công ty vào tháng 3/2013, đóng BHXH từ tháng 5/2013 đến nay. Nay công ty khó khăn, nên thay đổi cơ cấu, thu gọn bộ máy, tinh giản nhân sự và thông báo chấm dứt HĐLĐ với ông Lam từ ngày 1/1/2020. Ông Lam hỏi khi phải thôi việc trong trường hợp này, quyền lợi của ông thế nào?
Trước hết, ở trường hợp Công ty vì lý do cơ cấu tổ chức lại lao động, cắt giảm lao động đối với nhiều người thì phải thực hiện đúng nghĩa vụ quy định tại Khoản 1 Điều 44 Bộ Luật Lao động, có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp công ty không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc (trong đó có ông Lam) thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
Ông Lam có thời gian làm việc tại Công ty này từ tháng 3/2013 đến hết ngày 31/12/2019 là 6 năm 9 tháng, trong đó có 2 tháng chưa tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và có 6 năm 7 tháng đóng BHXH (bao gồm bảo hiểm thất nghiệp). Trách nhiệm của Công ty, trách nhiệm của BHXH đối với quyền lợi của ông Lam khi bị mất việc làm như sau:
Trách nhiệm của Công ty: Căn cứ Khoản 2 Điều 49 Bộ Luật Lao động, được hướng dẫn tại Điểm c, Khoản 3, Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm của ông Lam tại Công ty đối với thời gian chưa đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp là 2 tháng (từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2013), ông Lam được tính bằng ½ năm để tính trợ cấp mất việc làm, với mức được hưởng bằng ½ tháng lương (tTiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi ông Lam mất việc làm).
Trách nhiệm của BHXH chi trả trợ cấp thất nghiệp đối với thời gian ông Lam làm việc đã tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 5/2013 đến 31/12/2019 bằng 6 năm 7 tháng.
Theo Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Trường hợp ông Lam có 6 năm 7 tháng đóng BHTN thì được hưởng 6 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Căn cứ quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp., thì 7 tháng lẻ ông Lam chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
Khi chấm dứt HĐLĐ, BHXH và Công ty có nghĩa vụ chốt sổ BHXH, trả sổ BHXH xác nhận thời gian ông Lam đã tham gia, đóng BHXH, để ông thực hiện thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, bảo lưu quá trình đóng BHXH, cộng nối thời gian đã đóng BHXH với thời gian đóng BHXH ở nơi làm việc mới (nếu có việc làm mới), hoặc nhận BHXH một lần theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
(Theo Báo Chính phủ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét