Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Lãnh đạo tỉnh phải sáng tạo, không làm theo kiểu ‘đồng phục’

Để phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bí thư, Chủ tịch tỉnh cần phải năng động sáng tạo. Đặc biệt, cần giữ được sự khác biệt, không nhất thiết phải tiến bộ kịp với các địa phương ở đồng bằng theo nghĩa “đồng phục”.

Mục tiêu đã hoàn thành nhưng dân vẫn còn nghèo

Tại hội thảo Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sáng 14/12, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế TƯ, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW, nhận định, sau 15 năm thực hiện, có thể nói Nghị quyết 37 đã đi vào cuộc sống và tạo ra diện mạo mới cho các địa phương trong vùng; hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã cơ bản đã được hoàn thành. 

Song, theo ông Bình, đến nay, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn bộc lộ một số hạn chế. Năng lực sản xuất, tăng trưởng của một số địa phương chưa thực sự bền vững.

Mức sống của người dân, thu nhập bình quân của vùng đang ở mức thấp nhất trong số các vùng của cả nước. Khoảng cách về thu nhập so với cả nước đang có xu hướng doãng ra. Trong khi đó, sự phân phối thu nhập lại thể hiện tính bất bình đẳng cao nhất trong các vùng. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo của vùng này tính đến năm 2018 cao gấp 3 lần so với mức trung bình toàn quốc.

{keywords}
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội thảo

Ông Bình cũng cho biết, quy mô kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ còn nhỏ so với các vùng khác; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hết; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của phần lớn các địa phương chậm; cơ cấu kinh tế vùng chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang dấu ấn vùng.

Theo ông, những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Riêng về nguyên nhân chủ quan, tư duy về phát triển đối với vùng còn chậm được đổi mới. Đầu tư và hỗ trợ của Trung ương đối với các địa phương trong vùng còn chưa ngang tầm với vị trí, vai trò của vùng với cả nước. Quy mô vốn đầu tư của vùng còn thấp, với cơ cấu đầu tư chưa thực sự hợp lý, và hiệu quả chưa cao.

Môi trường đầu tư và kinh doanh của các tỉnh trong vùng chậm được cải thiện hơn so với toàn quốc. Và còn thiếu một hệ thống các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô thống nhất trong toàn vùng làm cơ sở cho công tác hoạch định chính sách phát triển vùng...

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hoá

Tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong chiến lược phát triển của các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ cần lưu ý rằng việc thu hút đầu tư nước ngoài hay các doanh nghiệp lớn về đầu tư mới chỉ là một mặt của vấn đề, còn vấn đề khác quan trọng và có tính chất gốc rễ hơn chính là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển mạnh mẽ khu kinh tế tư nhân trong nước. Trong đó, kinh tế tư nhân được hình thành từ chính địa bàn của tỉnh, làm sao cho các hộ kinh doanh kinh doanh vừa và nhỏ siêu nhỏ có điều kiện phát triển để vươn lên.

Ngoài ra, trong cơ cấu kinh tế không chỉ công nghiệp mà hướng vào nông nghiệp công nghệ cao, hướng vào dịch vụ, phát huy những giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch,... bởi đó cũng là tiềm năng lớn; song song đó là đào tạo nguồn nhân lực, chính là yếu tố cốt lõi để phát triển.

{keywords}
Theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá chất lượng cao

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ, nhận định, nông nghiệp là một lợi thế của vùng này nhưng phải phát triển theo hướng hàng hóa. Không phải thiên về số lượng mà ngay từ đầu phải làm chất lượng cao, cách thức sản xuất phải kiểm soát để đưa năng suất lên.  

Cũng theo ông Cung, trong nghị quyết sắp tới, điều phải làm đầu tiên là phát triển từ dưới lên, phát huy tính năng động sáng tạo của Bí thư, Chủ tịch tỉnh,... Ông Cung lý giải, việc hỗ trợ tiền cũng rất quan trọng nhưng trước hết cần tạo ra cơ chế, thể chế để buộc Bí thư, Chủ tịch phải năng động, sáng tạo, luôn suy nghĩ tìm cách làm mới. Tiêu chí, mục tiêu phải gắn liền với sự phát triển.

“Bên cạnh đó, phân bổ nguồn lực TƯ cần theo hướng đừng phân bổ cào đều. Dựa trên mục tiêu đã có như thế, địa phương nào có sáng kiến tốt thì được nhiều hơn. Đây là cách vừa tận dụng vừa khuyến khích sự năng động sáng tạo”, ông Cung nhấn mạnh.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng cần có một nghị quyết mang tính đặc thù. Vì nếu không có tính đặc thù thì nghị quyết cho những vùng như thế sẽ trở thành chung chung.

Đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đây là vùng không thể phát triển kinh tế theo logic truyền thống, theo nghĩa là phát triển công nghiệp, hay khai thác mỏ, chế biến. Theo ông Thiên, những vùng không thể phát triển kinh tế theo logic cũ thì có thể có lợi thế để phát triển theo logic mới, hiện đại hơn; cho phép chúng ta nhắm đến những loại hình sản phẩm giá trị gia tăng cao. Tính độc đáo đấy cho phép sản phẩm tiếp cận được với thị trường thế giới với nền tảng công nghệ cao, hoặc những đặc sắc về văn hóa nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.

“Vùng cần giữ được những sự khác biệt ấy, không nhất thiết phải tiến bộ kịp với các địa phương ở đồng bằng theo nghĩa đồng phục”, ông chia sẻ.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị cần thay đổi suy nghĩ phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ không phải chỉ cho vùng mà phải đặt vùng trong tổng thể cả nước, trong liên kết với hành lang Đông Tây và hành lang Bắc Nam, giữa vùng với vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Duyên hải Bắc Bộ.

Riêng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, do điều kiện tự nhiên và khó khăn về nguồn nhân lực, cần cân nhắc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và xây dựng ở mức vừa phải, thay vào đó tập trung chuyển dịch theo hướng dịch vụ và nông nghiệp. Ngoài ra, phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ rừng, coi đây vừa là kế sinh nhai, thoát nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo ông Bình, hai vấn đề quan trọng để phát triển vùng đó là đầu tư và cơ chế chính sách. Do những đặc thù khó khăn cùng với vị trí, vai trò quan trọng của vùng, phải có tầm nhìn để ưu tiên nguồn lực ngân sách TƯ trong đầu tư cho vùng này. Việc đầu tư cần trọng tâm trọng điểm, ưu tiên các dự án có tính liên kết lan tỏa và hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích và thu hút được đầu tư của xã hội, tạo nguồn lực phát triển cho vùng. Đồng thời, cần đặc biệt quan tâm đảm bảo an ninh quốc phòng gắn với vấn đề tôn giáo và dân tộc.

Tâm An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét